Mưa cực đại phổ biến 300-500 mm, tập trung khoảng 6 tiếng chiều tối 14/10, khiến hàng nghìn ôtô hư hỏng, xếp hàng chờ sửa chữa.

Mưa lớn do hoàn lưu trước bão Sơn Ca khiến cả 7 quận huyện của Đà Nẵng ngập 0,5-1,5 m, một số nơi ở quận Liên Chiểu ngập gần 2 m, khiến hàng loạt ôtô, xe máy lội nước và chết máy. Nút giao Lê Duẩn – Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) là nơi tập trung nhiều ôtô gặp nạn nhất. Các chủ xe cho biết đã tìm nhiều đường để đi nhưng về đến trung tâm thành phố ngập sâu nên không tránh khỏi.

Đến sáng 15/10, tuyến phố chuyên kinh doanh Lê Duẩn giữa trung tâm thành phố ngổn ngang ôtô chết máy, chắn hết đường. Xe cứu hộ tấp nập chở xe về garage để sửa chữa.

Trong khi đó, nhiều người thuê thợ đến kiểm tra, sửa chữa xe ngay trên đường.

Ôtô đỗ kín đường bên ngoài showroom của Thaco trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) để chờ được “khám”. Đại diện một số showroom, garage cho biết họ nhận hơn 100 xe đưa đến sửa chữa trong hai ngày qua, gây quá tải.

Tại garage Huấn Thanh trên đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn), hơn 30 xe được đưa đến sửa chữa, số lượng nhiều gấp đôi so với ngày thường, trong đó có nhiều xe sang. Do lượng xe quá nhiều, garage phải để xe đỗ tạm ở các khu vực xung quanh, huy động nhân viên làm việc hết công suất.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết thiết hại chủ yếu là các phương tiện giao thông bị bỏ lại, chết máy ngoài đường. Với số lượng xe các garage tiếp nhận, con số có thể lên tới hàng nghìn.

Thợ sửa chữa kiểm tra hộp điện, nước vào máy… Khi bị ngập nước, hệ thống dây điện, cầu chì, các bo mạch đều ngập trong nước bẩn nên rủi ro hư hỏng là rất cao. Thậm chí, có những chi tiết như dây điện nhìn bằng mắt không hư hại nhưng có thể một thời gian dài sau đó mới dần bị mủn, hư hỏng. Vì vậy, đòi hỏi thợ kỹ thuật phải kiểm tra thật kỹ các chi tiết này.

Với động cơ, bắt buộc phải thay dầu bôi trơn. Nếu xe bị thuỷ kích (nước lọt vào động cơ) và tài xế tiếp tục cố nổ máy thì nguy cơ gãy tay biên, cong vênh piston là rất lớn. Với những hư hỏng này thợ sẽ phải thay thế chi tiết mới.

Vấn đề lớn tiếp theo bên cạnh hệ thống điện, máy móc là nội thất bị ngâm nước lâu nên kéo theo mùi khó chịu, nước chui sâu phía trong khung gầm bệ, vật liệu cách âm… khiến việc sấy khô không dễ dàng. Ngoài phơi tự nhiên, thợ kỹ thuật cần dùng tới các thiết bị sấy chuyên dụng để làm khô nội thất, khử mùi.

Ngoài ra, các loại dung dịch trên xe, các loại lọc gió, lọc dầu… cũng cần thay thế. Tùy mức độ hư hại của xe, chi phí sửa chữa có thể từ vài chục tới hàng trăm triệu.

Đến chiều 17/10, nhiều ôtô vẫn tiếp tục được xe cẩu cứu hộ đưa đến các gara sửa chữa. Trên các tuyến đường vẫn còn rải rác ôtô bị hư hỏng đỗ tạm lại.

Theo các chuyên gia bán xe cũ, những người có nhu cầu mua xe cần cảnh giác vì sau đợt này, có thể sẽ có một nguồn xe cũ dồi dào, đi khắp các thị trường cả Hà Nội và TP HCM. Người mua xe cũ nên kiểm tra thật kỹ lưỡng trước khi mua xe để tránh mua phải xe ngập nước nhưng sửa chữa không “đến nơi, đến chốn”.